Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
375 người đã bình chọn
450 người đang online

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THANH HÓA, THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/QĐ-TTg, NGÀY 06/3/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Đăng ngày 13 - 07 - 2018
100%

Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và Công văn số 285/UBDT-DTTS ngày 29/3/2018 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg;

Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, huyện có liên quan tham mưu, tổng hợp, trình và đã được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2129/QĐ-UBND ngày 07/6/2018 phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (người có uy tín) tỉnh Thanh Hóa năm 2018 với tổng số 1.609 người; trong đó:

+ Theo thành phần dân tộc: Mường 833 người, Thái 563 người, Mông 44 người, Thổ 40 người, Dao 13 người, Khơ Mú 02 người, Hoa 01 người, Kinh 113 người.

+ Phân theo giới tính: Nam 1.481 người và Nữ 128 người.

Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, ngày 19/6/2018, Ban Dân tộc đã ban hành Hướng dẫn số 363/HD-BDT về việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa gửi UBND 11 huyện miền núi và 06 huyện giáp ranh có xã miền núi để hướng dẫn một số nội dung trong thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó:

- Tiêu chí lựa chọn người có uy tín: là Công dân Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; là người tiêu biểu, có nhiều công lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc; Hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.

- Điều kiện, nguyên tắc lựa chọn: Mỗi thôn thuộc vùng dân tộc thiểu số có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người dân tộc thiểu số được bình chọn 01 (một) người có uy tín.Trường hợp thôn không đủ điều kiện nhưng cần bình chọn một người có uy tín do có nhiều dân tộc cùng sinh sống, ở địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, xung yếu, phức tạp về an ninh trật tự thì: UBND huyện, thị xã (UBND cấp huyện) kiểm tra, lập danh sách và tờ trình gửi Ban Dân tộc tỉnh xem xét, tổng hợp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, nhưng tổng số người uy tín được bình chọn, xét công nhận không vượt quá số thôn vùng dân tộc thiểu số của huyện. Việc bình chọn được tiến hành từ thôn và phải đảm bảo đúng tiêu chí, tự nguyện, bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giữa các dân tộc.

- Công nhận người có uy tín: Do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định; quy định người có uy tín được bình chọn, công nhận 05 năm một lần, được thực hiện trong quý IV và hoàn thành trước 15 tháng 12 của năm bình chọn. Hằng năm (không phải định kỳ 5 năm) thực hiện rà soát, đưa ra khỏi danh sách người có uy tín đối với trường hợp quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 6 của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg; bình chọn, công nhận bổ sung người có uy tín đối với các trường hợp thực sự cần thiết quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 6 của Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg

- Chế độ, chính sách đối với người có uy tín:

+ Được cung cấp thông tin: được cấp (không thu tiền) Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Thanh Hóa, Chuyên đề “Đoàn Kết và Phát triển” của Tạp chí Cộng sản và chuyên trang “Dân tộc thiểu số và Miền núi (theo Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ);

+ Được khen thưởng; thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số không quá 02 lần/năm, mức chi không quá 500.000 đồng/người/lần;

+ Được thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau không quá 01 lần/năm, mức chi không quá 3.000.000 đồng/người/năm đối với cấp Trung ương, mức chi không quá 1.500.000 đồng/người/năm đối với cấp tỉnh, không quá 800.000 đồng/người/năm đối với cấp huyện;

+ Được thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn), mức chi không quá 2.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan Trung ương, không quá 1.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp tỉnh, không quá 500.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp huyện;

+ Được thăm viếng, động viên khi người có uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) qua đời. Mức chi không quá 2.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan Trung ương, không quá 1.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp tỉnh, không quá 500.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp huyện;

+ Được chi tặng quà không quá 500.000 đồng/đại biểu khi đoàn đại biểu người có uy tín do địa phương tổ chức đến thăm, làm việc tại các cơ quan của Đảng, Quốc Hội, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Trung ương và địa phương.

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách do ngân sách nhà nước đảm bảo.

- Trách nhiệm của người có uy tín: Bản thân và gia đình người có uy tín phải nắm vững, gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phản ánh kịp thời với các cơ quan chức năng có liên quan; tham gia tổ hòa giải, giữ gìn an ninh, trật tự; phòng ngừa, giải quyết các mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp trong nội bộ nhân dân; vận động, giáo dục những người vi phạm pháp luật. Tham dự đầy đủ các cuộc họp, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, kiến thức do các cơ quan chức năng liên quan triệu tập. Tích cực tham gia góp ý kiến vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương; cùng chính quyền và các tổ chức đoàn thể động viên, hướng dẫn, nhân rộng các điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tích cực hưởng ứng, ủng hộ tham gia xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương...

Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg  có hiệu lực kể từ ngày 24/4/2018, thay thế Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ ./.

<

Tin mới nhất

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - năm 2024...(24/04/2024 9:04 SA)

Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV(13/03/2024 7:19 SA)

Một số điểm mới của Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu...(19/01/2024 4:38 CH)

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2021 – 2030 TỈNH THANH HÓA, NĂM 2023(16/01/2024 7:15 SA)

BAN DÂN TỘC TỈNH THANH HÓA TỔ CHỨC CÁC ĐOÀN HỌC TẬP, TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHỈ...(04/12/2023 8:01 SA)

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đón và làm việc với Đoàn học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình (09/11/2023 7:13 SA)

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN - HIỆU QUẢ TỪ HỘI THI TÌM HIỂU PHÁP LUẬT(25/10/2023 11:00 SA)

Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền...(26/07/2023 8:19 SA)

    °