Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
374 người đã bình chọn
1303 người đang online

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH THANH HÓA LẦN THỨ III THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Đăng ngày 16 - 10 - 2019
100%

Trong hai ngày 14 và 15 tháng 10 năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III thành công tốt đẹp.

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh Thanh Hóa lần thứ III là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc; nhằm tiếp tục đánh giá thành tựu đạt được trong việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số thời kỳ 2014 – 2019 và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào năm 2020. Đại hội cũng là dịp để tiếp tục nâng cao nhận thức, hành động cách mạng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước, đường lối chiến lược của Đảng về chính sách dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt nội dung “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển ...” mà Đại hội Đảng đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đặt ra; đồng thời chung sức xây dựng Thanh Hóa “trở nên một tỉnh kiểu mẫu” mà sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Theo chương trình Đại hội, đêm 14/10/2019, sau phiên trù bị, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh tổ chức chương trình giao lưu giữa đại biểu dự Đại hội với các điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số là đại biểu chính thức dự Đại hội. Tới dự chương trình giao lưu có đồng chí Phạm Đăng Quyền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III; đồng chí Lương Văn Tưởng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III;  lãnh đạo một số ban, sở, ngành cấp tỉnh; 50 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh; 50 cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; cán bộ, công chức Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; các cháu học sinh, sinh viên các Trường Đại học Hồng Đức và Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã được 6 cá nhân là điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực về phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới ở địa phương mình chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, và đặc biệt là tính gương mẫu, tinh thần ham học hỏi, vượt khó để vươn lên thành công trong công việc của mình; có mô hình đã đem lại thu nhập bình quân trên 01 tỷ đồng mỗi năm cho gia đình, như: Mô hình kinh tế trang trại Vườn – Ao – Chuồng của thanh niên Quách Văn Bộ, Bí thư Chi đoàn thôn Đồng Mộc, xã Mậu Lâm (Như Thanh). Buổi giao lưu đã diễn ra trong không khí đầm ấm, thân thiện, qua những chia sẻ của các điển hình tiên tiến, đã khơi dậy niềm tin và tính tự lực, tự cường trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng trong các phong trào thi đua yêu nước, lập thân, lập nghiệp, giảm đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương của họ.

Sáng ngày 15/10/2019, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III được chính thức diễn ra tại Hội trường lớn Khu Hội nghị 25B của tỉnh với 243 đại biểu chính thức là người dân tộc thiểu số tiêu biểu đại diện cho hơn 66 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Nghệ An, Sơn La; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh; mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thường trực huyện ủy 11 huyện miền núi và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh; đồng thời có sự góp mặt của 200 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu đang học tập tại các Trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cao đẳng Y tế và Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh.

Đại hội đã thống nhất cao những nhận định, đánh giá mà Báo cáo chính trị đã nêu: Năm năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II, cán bộ và nhân dân các dân tộc thiểu số của tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và đã đạt được những thành tựu quan trọng, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên đáng kể. Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều gương sáng điển hình, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, có thể khái quát những nét cơ bản sau: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 - 2018 đạt 8,7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,62% năm 2014 xuống 12,13% năm 2018, bình quân giảm 2,3%/năm; Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được củng cố và tăng cường; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 75% số thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa; 87% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số xã được dùng điện lưới quốc gia; 100% số xã có điện thoại; 100% trung tâm các huyện, xã có mạng truyền dẫn cáp quang và được phủ sóng thông tin di động... Hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh và hoạt động có hiệu quả, đội ngũ cán bộ là người DTTS được quan tâm đào tạo bồi dưỡng; Vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng được quan tâm triển khai; Vấn đề việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tích cực; Các tập tục lạc hậu (trong ma chay, cưới xin, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ...) dẫn được loại bỏ; Các giá trị văn hóa đặc sắc, lành mạnh của đồng bào từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát huy khơi dậy niềm tự hào dân tộc; Người nghèo đã tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước, nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường sống, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội trên địa bàn.

Đại hội cũng được các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến đóng góp các ý kiến quý báu, những mô hình hiệu quả, những cách làm hay thông qua việc chia sẻ tham luận với các chủ đề: Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Thanh niên dân tộc thiểu số phát huy phong trào thanh niên sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình tại địa phương; Một số kết quả bước đầu về phát triển du lịch sinh thái cộng đồng vùng dân tộc thiểu số; Phát triển sản xuất, kinh tế hộ gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn ... Các đại biểu cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất một số vấn đề với Đảng, Nhà nước, với tỉnh như: Quan tâm hơn đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp tục đầu tư cho miền núi phát triển, để đời sống vật chất và tinh thần của bà con tiếp tục được nâng lên; thường xuyên mở lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho người dân, giúp bà con nâng cao thu nhập; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật hơn nữa ...

Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương công tác chuẩn bị Đại hội, tổ chức Đại hội và những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện và đạt được trong phát triển KT- XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2014 - 2019. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng nhấn mạnh định hướng đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy thành quả và có nhiều giải pháp tích cực để vùng miền núi dân tộc của tỉnh phát triển toàn diện hơn; đồng thời kêu gọi đồng bào phát huy nội lực và truyền thống tốt đẹp để xây dựng vùng miền núi giàu mạnh hơn.

Đại hội được tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo quan trọng của đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; theo đó, đồng chí nêu lên những kết quả về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh đều có sự đóng góp rất quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số, biểu dương sự đóng góp của đồng bào vào sự nghiệp chung của tỉnh và chúc mừng những thành tích mà đồng bào các dân tộc thiểu số đã đạt được trong thời gian qua. Mặc dù miền núi đang trên đà khởi sắc nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế mà Đảng bộ và nhân dân cần phải khắc phục cho được trong thời gian tới. Đồng thời, đồng chí đã định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp lớn, đề nghị cán bộ, đảng viên, đồng bào DTTS tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao các chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng miền núi, nhất là chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cụ thể hóa các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chiến lược về công tác dân tộc, gắn với thực hiện NQ 09-NQ/TU; chú trọng thực hiện phát triển kinh tế phải gắn với giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, tinh thần đoàn kết với nhân dân nước bạn Lào; tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào xây dựng tỉnh Thanh Hóa trở nên tỉnh kiểu mẫu. Đó là những đánh giá và định hướng quan trọng để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh nói chung, các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng phấn đấu thực hiện trong thời gian tới.

Đại hội đã biểu quyết thông qua Quyết tâm thư để triển khai tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2024 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Về phát triển kinh tế:

Phát huy mạnh mẽ tính tự lực, tự cường vươn lên, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển toàn diện các mặt kinh tế, văn hóa – xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 09 –NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân năm đạt mức trung bình chung của tỉnh; Thu nhập bình quân/người của hộ nghèo tăng khoảng 2,5 - 2,7 lần so với năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm bằng bình quân chung của tỉnh; 100% đường giao thông thôn, bản được cứng hóa theo tiêu chí quy định của Bộ Giao thông, vận tải; không còn thôn, bản không có điện và 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư nâng cấp đáp ứng 95% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm; trên 60% số xã ở 11 huyện miền núi phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí quy định.

Làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhất là tài nguyên rừng, tài nguyên đất, tài nguyên nước; các nguồn tài nguyên khoáng sản và các hệ sinh thái vùng đầu nguồn, môi trường sống; Chủ động phòng chống thiên tai và biến đối khí hậu.

2. Về văn hóa – xã hội:

Phát triển giáo dục – đào tạo theo hướng chuẩn hóa, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước phát triển giáo dục mũi nhọn; củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia, đến năm 2024 tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục đạt 100%; tỷ lệ cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, bản và cán bộ đoàn thể được tập huấn về công tác giảm nghèo đạt 100%; tỷ lệ cán bộ khuyến nông viên thôn, bản của 11 huyện miền núi được qua đào tạo đạt 100%; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển vùng dân tộc miền núi.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu; nâng cấp hệ thống y tế đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến năm 2024, tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo quy định của Bộ y tế; số trạm y tế có bác sỹ đạt 100%; số người cận nghèo được mua thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%.

Giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống lành mạnh, tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời kiên quyết xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu. Đến năm 2024 có 100% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; không còn hộ ở nhà tạm; 100% tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận dịch vụ thông tin, truyền thông góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về xây dựng nền văn hóa và con người văn hóa, bảo đảm yêu cầu: “Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”; cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng văn minh, tiến bộ.

3. Về quốc phòng - an ninh:

Tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Không ngừng nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ vững biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

4. Về củng cố và xây dựng hệ thống chính trị:

Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở và vùng sâu, vùng xa, biên giới; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, gắn với bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đại hội đã bầu chọn được được đoàn đại biểu gồm 59 đại biểu tiêu biểu xuất sắc nhất tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II (năm 2020) tại thủ đô Hà Nội.

Nhân dịp Đại hội, có 01 tập thể, 01 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 05 tập thể, 09 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 25 tập thể và 232 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh./.

<

Tin mới nhất

Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV(13/03/2024 7:19 SA)

Một số điểm mới của Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu...(19/01/2024 4:38 CH)

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2021 – 2030 TỈNH THANH HÓA, NĂM 2023(16/01/2024 7:15 SA)

BAN DÂN TỘC TỈNH THANH HÓA TỔ CHỨC CÁC ĐOÀN HỌC TẬP, TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHỈ...(04/12/2023 8:01 SA)

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đón và làm việc với Đoàn học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình (09/11/2023 7:13 SA)

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN - HIỆU QUẢ TỪ HỘI THI TÌM HIỂU PHÁP LUẬT(25/10/2023 11:00 SA)

Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền...(26/07/2023 8:19 SA)

Kết quả triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh...(16/06/2023 8:26 SA)

    °