Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
375 người đã bình chọn
396 người đang online

50 năm Thanh Hóa thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đăng ngày 12 - 08 - 2019
100%

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa có tổng diện tích tự nhiên trên 8.700 km2, chiếm khoảng ¾ diện tích toàn tỉnh. Toàn vùng có 11 huyện miền núi và 07 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi với tổng số 1.787 thôn, bản/225 xã, phường, thị trấn, gồm: 100 xã khu vực III; 83 xã khu vực II và 42 xã khu vực I; có 16 xã biên giới trải dọc theo 213,6 km đường biên giới với nước bạn Lào; có 07 dân tộc chủ yếu là: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú với tổng số dân trên 1,1 triệu người, trong đó người dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 66 vạn người, chiếm 60% dân số miền núi và hơn 17% dân số toàn tỉnh.

Cách đây hơn 72 năm, nhân dịp lần đầu tiên vào thăm Thanh Hóa (ngày 20/02/1947) Bác Hồ đã có bức thư gửi đồng bào Thượng du, động viên đồng bào các dân tộc miền núi  “... Tôi chắc đồng bào Thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc …”  và đến ngày 04/4/1947, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh số 41-SL về thành lập một Uỷ ban Hành chính đặc biệt miền Thượng du tỉnh Thanh Hoá (tiền thân của Ban Dân tộc ngày nay) để thực hiện các nhiệm vụ: (a) Giúp Uỷ ban Hành chính tỉnh Thanh Hoá giải quyết các công việc ở 6 Châu miền Thượng du tỉnh Thanh Hoá; (b) Động viên dân chúng để chuẩn bị kháng chiến; (c) Đốc xuất việc tăng gia sản xuất; (d) Phát triển bình dân học vụ.  

Quán triệt và thấu hiểu sự chỉ đạo chiến lược của Bác Hồ, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ Nhất (tháng 2/1948) đã đề ra khẩu hiệu hành động Thượng du thắng, Thanh Hoá thắng. Đối với Thanh Hóa nói chung, vùng dân tộc miền núi của tỉnh nói riêng đây là mệnh lệnh, là động lực quan trọng quyết định xuyên suốt cả chặng đường hơn nửa thế kỷ qua.

Việc phát triển kinh tế - vǎn hóa để nâng cao đời sống của nhân dân, trong Di chúc của Người: “NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người
 Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!...
”.

Trong nhiều năm qua, thực hiện Di chúc của Người, cùng với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế, vǎn hóa – xã hội, nhằm không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng như trong thời kỳ hòa bình, Thanh Hóa đã phát động và triển khai sâu rộng trong nhân dân các phong trào như: Phong trào “Ba sẵn sàng”, Phong trào “Ba đảm đang”, Phong trào “Tay búa tay súng”, Phong trào “Tay cày tay súng”, Phong trào thi đua “Hai tốt” và phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”.... Đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ tập tục lạc hậu, phát triển kinh tế - xã hội, như: Các phong trào khai hoang, làm thuỷ lợi, phong trào thâm canh, trồng rừng; Chương trình định canh, định cư (ĐCĐC) ... và đạt được những kết quả quan trọng trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Điều đó thể hiện qua những nét khái quát sau:

- Đã huy động gần 66.000 người gia nhập quân đội và trên 4.000 người đi thanh niên xung phong; cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho bộ đội; hàng chục triệu cây luồng, hàng nghìn mét khối gỗ, hàng chục nghìn ste củi cung cấp cho Thủ đô và các tỉnh miền Bắc phục vụ chiến đấu và đời sống nhân dân; góp nhiều công sức bảo vệ đường và thông đường cho những đoàn xe nối nhau ra tuyền tuyến; vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa làm tốt công tác giao thông vận tải, vừa làm tốt nghĩa vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến với phong trào: “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”, cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước thực hiện bằng được lời dạy của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Trải qua những năm tháng chiến đấu và chiến thắng ấy, Tám huyện miền núi đã được Nhà nước phong tặng 5 đơn vị Anh hùng, 18 cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang; Trong đó dân tộc Thái 6 Anh hùng, dân tộc Mường 5 Anh hùng, tiêu biểu như Anh hùng Bùi Xuân Chúc (Bá Thước), Lê Cấp Bằng (Ngọc Lặc), Lục Vĩnh Tưởng (Như Xuân), Cầm Bá Trừng, Lê Thị Kiểu (Thường Xuân), Lương Văn Biềng (Quan Hóa); 04 Anh hùng lao động; 145 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều phần thưởng cao quý khác...

- Từ năm 1969 đến 1991, thực hiện Cuộc vận động ĐCĐC kết hợp với hợp tác hóa theo tinh thần Nghị quyết số 38/CP ngày 12/3/1968 của Chính phủ với 5 nhiệm vụ: (1) Xác định đúng đắn phương hướng sản xuất đối với từng vùng, trên cơ sở khai thác 3 thế mạnh: Cây công nghiệp, chăn nuôi và nghề rừng; (2) Ra sức xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cần thiết cho ĐCĐC; (3) Xây dựng bản làng, xây dựng đời sống mới; (4) Ra sức đào tạo cán bộ cho các vùng mới ĐCĐC; (5) Nghiên cứu và giải quyết tốt một số vấn đề về chính sách cho những vùng mới ĐCĐC như: Chính sách điều hòa lương thực, chính sách hỗ trợ vốn và vật tư, chính sách sử dụng đất đai và quản lý rừng... Với phương châm “cán bộ đi làm vận động phải mồm nói, chân đi, tay làm”; “Tôi làm anh xem”, “Tôi anh cùng làm” và “Tôi anh cùng xem”; Thanh Hóa đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ 13.025 hộ, 84.639 khẩu đồng bào các dân tộc thực hiện ĐCĐC; khai hoang được gần 5.000 ha đất canh tác, trong đó có trên 2.300 ha ruộng lúa nước; trồng được trên 44.000 ha luồng, quế; xây dựng được 100 công trình vừa và nhỏ tưới cho 1.500 ha và tăng vụ được 200 ha; xây dựng được 3 công trình thủy điện nhỏ với công suất 50KW; làm được gần 800 km đường giao thông (có gần một nửa là đường ô tô, trong đó có trên 130 km đường ô tô Hồi Xuân - Quang Chiểu), 11 cầu treo, 32 trường học, 39 trạm xá, đào, xây 37 giếng nước ... sản xuất, đời sống nhân dân được nâng lên, văn hoá - xã hội trong vùng có bước phát triển mới. Các trường học từ bậc mầm non đến cấp III hoặc cấp II-III ở các huyện được thành lập, tất cả các chòm bản đều có lớp học phổ thông; các xã đều có trạm xá, vùng cao biên giới có phân viện khu vực do nhà nước đảm nhiệm; Thành lập được 400 Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Huyện ủy; gần 2.000 Chi bộ/Tổ đảng trực thuộc Đảng ủy cơ sở; các dân tộc Mường, Thái, Thổ đều đã có chi bộ hoặc tổ đảng; Thành lập các Trường Sư phạm (7 + 2), Trường Thanh niên Dân tộc, Trường Trung học Nông nghiệp, Trường Bổ túc Công nông Cấp III và mỗi huyện đều có trường Đảng để duy trì bồi dưỡng trình độ lý luận và chủ trương đường lối của Đảng cho cán bộ cơ sở. Đến năm 1979 toàn miền núi có 400 Đảng bộ, chi bộ, trực Huyện ủy; 1.978 chi bộ tổ đảng trực thuộc Đảng ủy cơ sở; Các dân tộc Mường, Thái, Thổ đều đã có chi bộ, tổ đảng hoặc đảng viên ở đội sản xuất; Vùng Mông, Dao, Khơ Mú hầu hết có đảng viên và chi bộ ở các chòm bản. Tổng số đảng viên toàn miền núi có 20.121 đồng chí (chiếm tỷ lệ 2,6% so với tổng số dân). Đội ngũ cán bộ cấp huyện được trưởng thành, có số lượng đông đảo, đảm nhiệm các đơn vị chủ chốt. Công tác bồi dưỡng đào tạo được Tỉnh ủy quan tâm, mở các lớp bồi dưỡng chương trình trung cấp, QLKT và LLCT cho cán bộ lãnh đạo huyện, ngành người DTTS. Trường Đảng tỉnh đã đào tạo riêng cho cán bộ miền núi có trình độ trung cấp LLCT, tuyển các đồng chí đi học trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương... Mỗi huyện đều có trường Đảng, duy trì bồi dưỡng LLCT, chủ trương đường lối của Đảng cho cán bộ cơ sở. Thời kỳ này, 8 huyện miền núi vui mừng có 15 hợp tác xã được Tỉnh ủy chọn làm thí điểm thực hiện triển khai các Nghị quyết và Chỉ thị của Đảng cấp trên để rút kinh nghiệm bồi dưỡng cho các ngành, các huyện, gồm: Huyện Ngọc Lặc: 3 hợp tác xã; Như Xuân: 2 hợp tác xã; Thường Xuân: 2 hợp tác xã; Cẩm Thủy: 2 hợp tác xã; Lang Chánh: 2 hợp tác xã; Thạch Thành: 2 hợp tác xã; Quan Hóa: 1 hợp tác xã; Bá Thước: 1 hợp tác xã.

- Từ năm 1992 đến năm 1998, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 38/CP, đẩy mạnh xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, khai hoang, trồng rừng, ổn định làng bản; đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ chính trị, Quyết định 72/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Nghị quyết 21-NQ/TU của Tỉnh uỷ Thanh Hóa về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, Chương trình 06/CP (thôi trồng cây thuốc phiện), Chương trình hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn...; Thanh Hóa đã tuyên truyền, vận động gần 1.000 hộ dân tộc Mông phá nhổ gần 630 ha cây thuốc phiện (gần 70% diện tích trồng), diện tích tái trồng các năm sau giảm dần và đến nay hầu như không còn; xây dựng được 37 dự án ĐCĐC phát triển gắn với quy hoạch dân cư tập trung (mỗi xã là 01 dự án để tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương), xây dựng được 6 dự án trung tâm cụm xã (Cụm Thanh Quân - Như Xuân; Cụm Cẩm Thành - Cẩm Thủy; Cụm Hiền Kiệt - Quan Hóa; Cụm Yên Khương - Lang Chánh; Cụm Bát Mọt - Thường Xuân; Cụm Quang Chiểu - Mường Lát. Năm 1999, đầu tư các DA mới như cụm Phố Đoàn - Bá Thước; Cụm Sơn Điện - Quan Sơn; Cụm Thạch Quảng - Thạch Thành), theo đó đã vận động hàng ngàn hộ đồng bào (Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú) sống du canh du cư đến nơi quy hoạch, ổn định bản làng, nơi ở và nơi sản xuất lâu dài; đặc biệt là cuộc vận động và thực hiện di dời 54 hộ, trên 270 khẩu dân tộc Khơ Mú - là dân tộc khó khăn nhất trong các dân tộc của tỉnh, thuộc xã Tén Tằn và xã Mường Chanh (Mường Lát) ra nơi quy hoạch mới (Bản Đoàn Kết và Bản Lách), có điều kiện ĐCĐC lâu dài; thực hiện quy hoạch dân cư và giải quyết tốt vấn đề ĐCĐC cho gần 1.200 hộ với hơn 7.600 khẩu đồng bào Mông các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào huyện Mường Lát và Quan Hóa. Khai hoang mở rộng diện tích canh tác, diện tích ruộng nước tăng từ 2.300 ha thời kỳ (1969 -1991) lên 37.700 ha vào năm 1998; diện tích trồng luồng, quế tăng từ 44.000 ha thời kỳ (1969 -1991) lên 95.300 ha (1992); Chăn nuôi phát triển mạnh, tổng đàn trâu, bò năm 1998 đạt trên 250.000 con, tổng đàn lợn khoảng gần 3.000 con; các mặt hàng: Muối I ốt, dầu hỏa, thuốc chữa bệnh, giấy viết học sinh được Chính phủ cấp không thu tiền và thực hiện bán trợ giá và trợ cước vận chuyển đối với giống lúa, ngô, than mỏ, phân bón...

- Từ năm 1999 đến 2004, các chính sách đầu tư cho miền núi được tăng cường, trong đó có CT135, nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc: Đường ô tô tăng hơn 300 km trong tổng số 2.865 km toàn vùng (trong đó, đường nhựa tăng gần 100 km); 9/11 huyện miền núi đã có điện lưới quốc gia; 100% số xã đều có trạm y tế và trường phổ thông cơ sở tại trung tâm xã. Xây dựng 20 trạm trạm thu phát truyền hình ở biên giới vùng cao, vùng sâu; toàn miền núi đã hòa mạng thông tin vô tuyến trong nước và quốc tế... cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh tăng năng suất; các khu công nghiệp chế biến: Đường Lam Sơn, Việt - Đài, Nông Cống, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước, Như Xuân, Nhà máy chế biến mủ cao su Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy) được thành lập và hoạt động; các mô hình kinh tế trang trại rừng, vườn hộ của nông dân miền núi đã được hình thành; đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên một bước.

- Từ năm 2005 đến nay, tiếp tục triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010; Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Nghị quyết TW7 khóa IX về công tác dân tộc; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 về một số công tác ở vùng dân tộc Mông; Kết luận số 57-KL/TW ngày 03/11/2009 về công tác dân tộc; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc; CT135 của 4 giai đoạn; Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện ĐCĐC cho đồng bào DTTS; Chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; Chính sách vay vốn PTSX đối với hộ DTTS ĐBKK; Chính sách cấp một số loại báo, tạp chí cho vùng DTTS&MN, vùng ĐBKK; Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 12/10/2005 về việc phê duyệt Đề án phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN miền Tây tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 về phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; ... các chính sách đầu tư cho miền núi tiếp tục được tăng cường, đầu tư mạnh mẽ. Ngoài các chính sách do Trung ương ban hành, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách nhằm giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh, như: Dự án phát triển KT-XH, ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2010; Quyết định số 196-QĐ/TU ngày 27/4/2011 về Ban hành Chương trình Phát triển KT-XH miền núi Thanh Hóa đến năm 2015; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 04/11/2013 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”; Đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án Phát triển cây trồng vật nuôi có lợi thế cho sản phẩm đặc sản trên địa bàn 11 huyện miền núi; Đề án Ổn định sản xuất, đời sống và phát triển KT-XH các bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn, giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng DTTS tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng miền núi không nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), giai đoạn 2016 – 2020; Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án Ổn định đời sống và phát triển KT-XH đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Đề án “Xây dựng điểm điển hình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 289-QĐ/TU ngày 27/5/2016 về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020.... Đây là thời kỳ kết cấu hạ tầng – kinh tế xã hội được đầu tư mạnh mẽ, nâng cấp và hoàn thiện phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân vùng miền núi, như: Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; các công trình thủy lợi lớn; hệ thống điện lưới quốc gia, hệ thống thông tin liên lạc được hoàn thiện; trường học, trạm xá được xây dựng kiên cố, khang trang; các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh được quan tâm xây dựng; các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đi vào hoạt động hiệu quả, giải quyết cơ bản nhu cầu việc làm cho lao động địa phương; các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm; hình thành các điểm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan...

Tóm lại, sau 50 năm thực hiện di chúc của Bác – một tầm nhìn của thời đại - là chỉ dẫn quý báu, là động lực tinh thần giúp chúng ta vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để tiến tới con đường phát triển bền vững, đó cũng là “ham muốn, ham muốn tột bậc” của Bác: “... là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành ...”. Cùng với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo trong đó có các chính sách dân tộc đã tác động sâu sắc, toàn diện và tạo chuyển biến rõ rệt trên tất cả các mặt của đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi và phát triển nhanh chóng: Kinh tế có bước tăng trưởng khá: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2018 đạt 9,3%; thu nhập BQ đầu người năm 2018 đạt 20 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế khu vực miền núi đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá; Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tăng cường và ngày càng hoàn thiện; Các tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp, năng suất, sản lượng tăng cao; Đời sống nhân dân ổn định, diện đói nghèo được thu hẹp; Vấn đề việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; Sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng; Trình độ dân trí, trình độ cán bộ cơ sở ngày càng được nâng lên; Hệ thống chính trị được củng cố, quốc phòng - an ninh và trật tự xã hội được giữ vững, đoàn kết các dân tộc được phát huy; Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS được tôn trọng, bảo tồn, phục dựng và phát huy; Các tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội đã được ngăn chặn và đẩy lùi ... Đến nay, vùng miền núi Thanh Hóa từ chỗ thiếu mặc, thiếu ăn triền miên, đã vươn lên cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và ngày càng được xây dựng đàng hoàng hơn, văn minh, tiến bộ hơn và đang chuyển mình trên đường phát triển: Núi rừng có điện thay sao; nông thôn đã có ô tô thay ngựa, có máy làm trâu cho người, có internet và di động kết nối muôn phương ...

Tuy nhiên, vùng DTTS&MN của tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn: Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 còn 12,13% (cao gấp hơn 2 lần tỷ lệ nghèo toàn tỉnh 5,59%), trên 95% hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội nhiều, chiếm 53,33% so với tổng số hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội khó có khả năng thoát nghèo còn cao chiếm 19,7% tổng số hộ nghèo; tỷ lệ chủ hộ nghèo là nữ chiếm 36,31%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 46,48% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; Vẫn còn 06 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 100 xã ĐBKK và 181 thôn, bản ĐBKK thuộc diện đầu tư CT135; Còn 73 thôn, bản thuộc 09 huyện miền núi với 4.285 hộ dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa có lưới điện quốc gia; Cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu; Lực lượng lao động chủ yếu là lao động phổ thông, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao,  lao động thiếu việc làm còn nhiều; Sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu nhưng diện tích canh tác ít, manh mún, sản phẩm sản xuất ra chưa nhiều, chất lượng hạn chế nên khó tiêu thụ; Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn ...

Những khó khăn thách thức lớn đó đòi hỏi sự quyết tâm rất cao, sự chỉ đạo rất sâu sát quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ hiệu quả của Trung ương, sự vào cuộc hiệu quả của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và sự nỗ lực vươn lên không ngừng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, nhân dân vùng miền núi nói riêng để vượt qua trong giai đoạn phát triển và hội nhập hiện nay để xây dựng cho được “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn./.

<

Tin mới nhất

Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV(13/03/2024 7:19 SA)

Một số điểm mới của Quyết định số 28/2023/QĐ-TTg ngày 23/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu...(19/01/2024 4:38 CH)

KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2021 – 2030 TỈNH THANH HÓA, NĂM 2023(16/01/2024 7:15 SA)

BAN DÂN TỘC TỈNH THANH HÓA TỔ CHỨC CÁC ĐOÀN HỌC TẬP, TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHỈ...(04/12/2023 8:01 SA)

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đón và làm việc với Đoàn học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình (09/11/2023 7:13 SA)

ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN - HIỆU QUẢ TỪ HỘI THI TÌM HIỂU PHÁP LUẬT(25/10/2023 11:00 SA)

Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền...(26/07/2023 8:19 SA)

Kết quả triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh...(16/06/2023 8:26 SA)

    °