Bài phát biểu của Đc Nguyễn Văn Lợi - Bí thư T.W tại ĐHĐB các DTTS tỉnh Thanh Hóa

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN KẾT, ĐẨY MẠNH
CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THANH HOÁ TRỞ THÀNH TỈNH KIỂU MẪU
 
                                           Đồng chí Nguyễn Văn Lợi
                                            Uỷ viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá

 

 
 

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Kính thưa đồng chí Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; đồng chí Khăm đi Xinh - Khăm Phắt, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Tỉnh trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận xây dựng đất nước Lào tỉnh Hủa Phăn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khu vực 8, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Thưa Đoàn Chủ tịch đại hội
Thưa quí vị đại biểu
Thưa toàn thể các đồng chí !
 
Trong không khí vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu to lớn của sự nghiệp đổi mới, hướng tới đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, hôm nay chúng ta long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ nhất. Tại diễn đàn trọng thể này, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc sức khoẻ các vị khách quý của Đại hội cùng 403 đại biểu đại diện cho 7 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn miền núi của tỉnh, đã về dự Đại hội.
 
Nhân dịp này, xin gửi đến các thế hệ cán bộ làm công tác dân tộc và tất cả những người đã từng sống, chiến đấu, lao động, học tập, công tác vì sự phát triển của vùng miền núi dân tộc tỉnh nhà, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
 
 Thưa toàn thể các đồng chí!

Miền núi Thanh Hoá là nơi sinh sống lâu đời đoàn kết và hoà thuận của 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, cấp uỷ Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số Thanh Hoá đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ra sức thi đua, nổ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 

 Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng của đất nước, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thanh Hoá nói chung và miền núi Thanh Hoá nói riêng, luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã viết thư thăm hỏi, động viên đồng bào Thượng du Thanh Hoá “Ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước”. Nghe theo lời dạy của Đảng và Bác Hồ kính yêu, với lòng yêu nước nồng nàn, đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hoá đã phối hợp với bộ đội chủ lực và dân quân du kích tiêu diệt nhiều đồn bốt của giặc, tích cực tham gia tiếp lương, tải đạn, chi viện cho tiền tuyến. Nhiều ngọn núi, dòng sông và những con đường của miền núi Thanh Hoá đã in đậm dấu chân của lực lượng dân công, thanh niên xung phong và bộ đội “ trên bộ, dưới thuyền rầm rập tiến ra chiến trường”, để cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Để rồi “Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hoá cũng có một phần vinh dự đến đó”, trong niềm vinh dự to lớn ấy, có sự đóng góp xứng đáng của đồng bào các dân tộc thiểu số Thanh Hoá.

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, cùng với nhân dân trong tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, khai hoang, phục hoá, xây dựng các công trình thuỷ lợi, xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu, từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; nhiều tuyến đường giao thông nối liền miền xuôi với miền núi và nước bạn Lào được khởi công xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cùng với thi đua sản xuất, đồng bào các dân tộc luôn vững vàng tay súng, dũng cảm đánh trả sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, bảo vệ các tuyến đường giao thông huyết mạch, các cơ sở quân sự, đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. Trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ ấy, biết bao con em của đồng bào các dân tộc đã hăng hái lên đường chiến đấu, nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
 
Sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, làm cho bộ mặt nông thôn miền núi không ngừng thay da, đổi thịt; kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Từ chỗ thường xuyên thiếu đói, đến nay các huyện miền núi cơ bản tự cân đối lương thực. Các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung như luồng, mía, sắn, cao su, được hình thành, bảo đảm hoạt động cho các nhà máy, góp phần thúc đẩy công nghiệp khu vực miền núi phát triển. Lĩnh vực văn hoá - xã hội chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đạt nhiều kết quả tích cực. Khối đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố vững chắc.Trở lại miền núi hôm nay, chúng ta không chỉ vui mừng trước những đổi thay của bản làng, mà còn được chứng kiến những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Từ những phong trào ấy, đã xuất hiện không ít những hộ đồng bào dân tộc giỏi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trang trại, vườn rừng; mở thêm ngành nghề tiểu - thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho bà con trong vùng. Không ít những già làng, trưởng bản đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hoá mới ở cơ sở.
 
Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng vươn lên và những thành tựu mà cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
 
Tôi nhiệt liệt biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số, mong các vị tiếp tục nêu gương sáng, đi đầu góp phần xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
 Thưa toàn thể các đồng chí!
 
Tự hào với những thành tựu đạt được, song phải thẳng thắn thừa nhận: vùng miền núi dân tộc của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và chưa vững chắc; sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Công nghiệp nhỏ bé, tiểu - thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển chậm; kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung của tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ cấp xã còn thiếu và yếu. Tình trạng di cư tự do, buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma tuý, truyền đạo trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Tâm lý tự ti, mặc cảm, tư tưởng ỷ lại trông chờ ở một số nơi còn chậm được khắc phục.
 
Để thực hiện cho được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra là “Phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc" Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; động viên phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong các dân tộc”, trong thời gian tới cấp uỷ Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc miền núi trong tỉnh cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên ttruyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc làm cho các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức rõ và kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu gây chia rẽ “diễn biến hoà bình” của các thế lực phản động; trên cơ sở đó củng cố chắc khối đại đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
 
Hai là, phát động sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, vươn lên thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, thu hẹp khoảng cách giữa đồng bằng và vùng miền núi trong tỉnh.
 
Trước hết, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền Tây theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, gắn với thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 7 huyện miền núi. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công các công trình thuỷ lợi - thuỷ điện, các dự án thuộc Chương trình 134, 135, 174, chương trình kiên cố hoá trường lớp học; các tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã chưa có đường ô tô và các tuyến giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây nối phía Tây Thanh Hoá với các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Hoà Bình và Tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào, tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn, hợp lý, thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế trong vùng.
 
Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tuớng Chính phủ phê duyệt. Rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng nguyên liệu, tăng cường các biện pháp thâm canh, tăng năng suất đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Đẩy mạnh trồng mới cây cao su, đồng thời mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, hiệu quả rừng sản xuất; xây dựng, thực hiện quy trình thâm canh nhằm nâng cao giá trị cây luồng; lựa chọn đưa những cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Coi trọng tổng kết thực tiễn các mô hình chăn nuôi trang trại, vườn rừng, phát triển vùng nguyên liệu để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Đẩy mạnh phát triển tiểu - thủ công nghiệp, du nhập nghề và dạy nghề cho nhân dân, nhất là những nghề phù hợp với trình độ dân trí và truyền thống của đồng bào dân tộc.
 
Ba là, đẩy mạnh thi đua phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội, tăng cường xã hội hoá để huy động các nguồn lực cho phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ; sưu tầm biên soạn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc, kiên quyết loại bỏ các hủ tục lạc hậu; củng cố vững chắc kết qủa phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường mầm non, phổ thông, dân tộc nội trú, đáp ứng yêu cầu vừa dạy văn hoá, vừa dạy nghề cho con em đồng bào các dân tộc. Thực hiện tốt chế độ cử tuyển để đào tạo và tăng nhanh số cán bộ có trình độ chuyên môn là người miền núi, chú ý đội ngũ cán bộ làm việc trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, khuyến nông, khuyến lâm, coi đây là nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi trong tương lai.
 
Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các loại tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất ma tuý biên giới. Làm tốt công tác định canh định cư, ổn định dân cư khu vực biên giới, tạo mọi điều kiện để nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, sinh sống ổn định lâu dài. Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng xã, thị trấn, thôn, bản vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ; quan tâm giải quyết các khiếu kiện phức tạp, đông người không để xảy ra điểm nóng. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở. Phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản trong việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng bản, làng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Phát huy truyền thống tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, cán bộ và nhân dân các huyện biên giới tiếp tục đoàn kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhân dân các huyện vùng biên của tỉnh Hủa Phăn anh em, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
 
 Thưa toàn thể các đồng chí!
 
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh hôm nay là biểu tượng của sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và là dịp để biểu dương, tôn vinh những đóng góp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, một lòng son sắt theo Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tin tưởng rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên xoá đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
 
Một lần nữa, xin chúc quý vị đại biểu, cùng toàn thể đại hội sức khoẻ, hạnh phúc. Chúc đại hội thành công tốt đẹp.
 
Xin trân trọng cảm ơn!