Kết quả bước đầu trong việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” ở tỉnh Thanh Hóa

Qua ba năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn miền núi Thanh Hóa, bước đầu đã thu được một số kết quả đáng phấn khởi, nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân từng bước được nâng cao.

Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 07 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi với tổng số dân khoảng hơn 1,1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 660 nghìn người. Các dân tộc thiểu số có dân số tương đối nhiều như: Dân tộc Mường có 364.622 người, Dân tộc Thái có 223.165 người,  Dân tộc Mông có 14.917 người … Theo khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn 2011 - 2015, khu vực miền núi có 1.207 cặp tảo hôn; 86 cặp hôn nhân cận huyết thống, bình quân hằng năm có từ hơn 200 cặp đến gần 300 cặp tảo hôn và có gần 20 cặp kết hôn cận huyết thống, tập trung nhiều ở các huyện như Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn.

Nguyên nhân chủ yếu do nhiều nơi vẫn còn phong tục hứa hôn; sự hạn chế tiếp cận kiến thức pháp luật của đồng bào; việc thiếu được trang bị kỹ năng sống, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi; sự vào cuộc của chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng này chưa mạnh mẽ, quyết liệt…

Qua ba năm triển khai đề án (2016 - 2018), Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan biên soạn, in ấn, phát hành các loại tài liệu tuyên truyền, gồm: 33.450 tờ gấp; 11.150 cuốn sổ tay; 7.805 tờ áp phích có nội dung liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và cấp phát đến 223 xã miền núi của tỉnh. Đồng thời, tiến hành chọn các huyện điểm để tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, những người có uy tín. Cùng với việc triển khai, tổ chức thực hiện Đề án của Ban Dân tộc, các huyện miền núi và huyện giáp ranh có xã miền núi đã tiến hành chọn các xã điểm tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, thôn, những người có uy tín, các thầy cô giáo và học sinh ở các trường học.

Sự vào cuộc nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, cùng với việc đổi mới trong công tác tuyên truyền đến đối tượng học sinh tại các trường ở vùng cao đã mang lại những chuyển biến tích cực. Kết quả khảo sát năm 2017, huyện miền núi Lang Chánh giảm 2,22% tỷ lệ tảo hôn (từ 6,68% xuống còn 4,46%); huyện Ngọc Lặc giảm 4,3% (từ 9,89% giảm xuống còn 5,59%)…; tình trạng hôn nhân cận huyết thống chỉ còn xảy ra với số lượng rất ít trên địa bàn vùng sâu, vùng xa ở một số huyện vùng cao biên giới.

Để giảm thiểu bền vững tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trước hết phải nâng cao nhận thức của hệ thống chính quyền cơ sở và các tầng lớp nhân dân, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín tại cộng đồng tham gia vào công tác tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 xây dựng 9 mô hình “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số” tại các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; quan tâm nâng cao sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình Qua đó, ngăn chặn được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực miền núi./.

Cao Thị Hòa