Sáng ngày 04/01/2023, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2022; sơ kết 01 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719) và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Tại điểm cầu Trung ương, đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chủ trì Hội nghị; đồng chủ trì Hội nghị gồm các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Y Vinh Tơr, Y Thông; dự hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các vụ của Ủy ban Dân tộc.
Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Mai Xuân Bình - Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đại diện lãnh đạo của các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Tư pháp; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi Trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Sở Nội vụ; Văn phòng UBND tỉnh; Chi nhánh Ngân Chính sách và xã hội tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn, Liên minh Hợp tác xã; các đồng chí Lãnh đạo Ban Dân tộc và các đồng chí trưởng, phó các phòng chuyên môn của Ban Dân tộc tỉnh.

Đồng chí Mai Xuân Bình - Tỉnh ủy viên - Ủy viên UBND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh chủ trì Hội nghị.
Hội nghị tổng kết công tác dân tộc toàn quốc năm 2022 triển khai trong bối cảnh Chính phủ vừa tổ chức thành công hội nghị đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ giải pháp để điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Năm 2022, công tác dân tộc, chính sách dân tộc tiếp tục được Đảng, Nhà nước, các cấp ủy chính quyền địa phương, các ban, bộ, ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình 1719, ở các địa phương đã triển khai đồng bộ, ở cấp trung ương cũng đang hoàn thiện cơ bản các văn bản hướng dẫn và hệ thống văn bản pháp lý để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã giao vốn năm 2021, 2022, theo đó các bộ ngành, các địa phương cũng đã thực hiện việc phân bổ vốn và tổ chức triển khai chương trình. Có thể khẳng định, năm 2022 có khối lượng công việc hết sức nặng nề đối với với hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ trước tới nay. Ngoài Chương trình 1719, trong lĩnh vực công tác dân tộc có rất nhiều chính sách được triển khai đồng bộ ở tất cả các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương; đặc biệt, trong năm, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045, Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045.
Nhìn chung, công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết các chính sách dân tộc được tích hợp vào Chương trình 1719; một số chính sách còn hiệu lực vẫn tiếp tục được triển khai kịp thời, hiệu quả; hệ thống cơ quan công tác dân tộc tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào DTTS, kịp thời hỗ trợ đồng bào DTTS bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc, cả nước có 52 địa phương thì có trên 30 địa phương có chính sách riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với 75 chính sách ở các địa phương, đặc biệt là sau khi thực hiện bị tác động bởi Quyết định 861 của Thủ ướng Chính phủ và Quyết định 612 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thì nhiều địa phương đã có các giải pháp linh hoạt, chủ động triển khai, cụ thể hóa các chính sách để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị yếu thế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi không còn được hưởng chính sách của xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn mang lại hiệu quả thiết thực, ổn định tình hình. Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay tỷ lệ giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn quốc, trung bình giảm từ 3 đến 5%, có những tỉnh giảm trên 5%, đạt và vượt mục tiêu của Nghị quyết 88/2019/QH14 đặt ra.
Bên cạnh những thành tựu cơ bản trên, vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần được hỗ trợ giải quyết trong thời gian tới đó là: Kinh tế chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa vững chắc; kết cấu hạ tầng KT-XH thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển...
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đề nghị Ủy ban Dân tộc quan tâm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện một số chính sách dân tộc và Chương trình 1719 liên quan đến việc phân bổ vốn; hướng dẫn định mức vốn; mở rộng đối tượng thụ hưởng…

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2022, năm 2023 Ủy ban Dân tộc đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. Tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Chương trình 1719, trọng tâm là tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Chương trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2030. Thực hiện kịp thời việc trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp. Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS&MN, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường… Tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp cơ cấu tổ chức các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác dân tộc. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành…