Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
375 người đã bình chọn
310 người đang online

Quá trình hình thành và phát triển của cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Thanh Hóa

Đăng ngày 15 - 02 - 2012
100%

Cơ quan công tác dân tộc tỉnh Thanh Hóa - với tổ chức tiền thân là Ủy ban hành chính đặc biệt miền thượng du tỉnh Thanh Hóa. 65 năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn có cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, là cơ quan tham mưu của cấp ủy, chính quyền tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng miền núi dân tộc của  tỉnh Thanh Hóa. Quá trình hình thành và phát triển đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau, đó là:

1. Uỷ ban hành chính đặc biệt miền thượng du và Đảng uỷ miền Tây (1947 - 1954)

Những ngày đầu của Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa, trong bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc: Thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đe dọa. Ở vùng miền núi phía Tây của Thanh Hoá quân Pháp từ Lào sang, cùng với bọn Lang đạo phản động liên kết với nhau để thiết lập “hành lang Đông - Tây” nhằm chờ thời cơ đánh vào trung tâm tỉnh lỵ và làm hậu thuẫn cho quân Pháp tại chiến trường Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Trong khi đó lực lượng cách mạng và cơ sở cách mạng của ta còn mỏng, giác ngộ cách mạng của nhân dân các dân tộc còn nhiều hạn chế, uy thế của Thổ ty, Lang đạo còn lớn trong nhân dân.

Trước tình hình đó, nhân dịp lần đầu tiên vào thăm Thanh Hoá, ngày 20-2-1947, Bác Hồ đã có thư gửi đồng bào thượng du, động viên đồng bào các dân tộc "Ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước” và hơn một tháng sau, ngày 04- 4 -1947, nhân danh Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một sắc quan trọng – sắc lệnh số 41-SL về thành lập một Uỷ ban hành chính đặc biệt miền thượng du tỉnh Thanh Hoá, tiền thân của cơ quan Ban dân tộc ngày nay, để thực hiện các nhiệm vụ: “Giúp Uỷ ban hành chính tỉnh Thanh Hóa giải quyết các công việc ở sáu châu miền thượng du tỉnh Thanh Hoá; Động viên dân chúng để chuẩn bị kháng chiến; Đốc xuất việc tăng gia sản xuất; Phát triển bình dân học vụ”.

Bộ máy của Uỷ ban hành chính đặc biệt miền thượng du có các bộ phận theo dõi, chỉ đạo chiến đấu, sản xuất, dân sinh…Ban dân quân thượng du, Phân ty bình dân học vụ, Phân ty thông tin tuyên truyền, Công ty Thanh Thượng được thành lập và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban hành chính đặc biệt thượng du.

Chủ tịch UBHC  đặc biệt thương du Thanh Hóa là đồng chí Phạm Văn Bỉnh – đặc phái viên của Bộ Nội vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh cử về.

Do tính chất đặc biệt của Uỷ ban hành chính thượng du, không thể không có sự chỉ đạo về  về đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản. Tháng 4-1948  Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tăng cường sức mạnh cho Uỷ ban hành chính đặc biệt miền thượng du, đã tăng cường cán bộ lên miền núi và quyết định thành lập Đảng uỷ Miền Tây.

Thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, tháng 3/1949 Đảng uỷ miền Tây và UBHC đặc biệt thượng du đã tổ chức Đại hội kháng chiến tại xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc. Qua  tổ chức Đại hội, đồng bào các dân tộc thấy được sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng, thực sự có chỗ dựa vững chắc để hăng hái sản xuất, chiến đấu, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.

Vào các năm 1948 - 1949, 3 mũi quân Pháp từ nước bạn Lào tiến vào đánh chiếm các xã biên giới và tìm mọi cách mở rộng chiềm địa xuống phía đông nam, với mục tiêu làm chủ phía Tây biên giới  Việt – Lào. Nhận rõ âm mưu của địch, Đảng ủy miền Tây và UBHC đặc biệt Thượng du đã nhanh chóng phát động chiến tranh nhân dân, xây dựng các đội dân quân du kích, bán vũ trang và thành lập các đại đội vũ trang chủ lực đáp ứng tình hình khu vực miền Tây. Quân và dân ta đã tấn công và tiêu diệt gọn 2 đồn quan trọng của địch ở Yên Khương (Lang Chánh) và Bát Mọt (Thường Xuân), các đồn khác của Pháp luôn bị quân ta áp đảo buộc phải rút lui, toàn bộ chiến lược hành lang Đông - Tây của Pháp ở vùng thượng du Thanh Hoá đã bị phá tan, âm mưu lập khu “Thái, Mường tự trị”của chúng bị thất bại hoàn toàn. Đồng bào và cán bộ chiến sĩ vùng miền núi và dân tộc tỉnh Thanh Hóa có quyền tự hào về những chiến công thắng lợi đó, niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đảng cộng sản và đường lối chính sách dân tộc của Đảng và Bác Hồ được củng cố nâng cao. Đảng ủy miền Tây và UBHC đặc biệt Thượng du có vai trò quyết định quan trọng về tổ chức đoàn kết và xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh trên chặng đường kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Cùng với những chiến công lớn về quân sự,  trên mặt trận  chính trị, xây dựng và giữ chính quyền non tre ở miền Tây, Đảng uỷ miền Tây và UBHC đặc biệt Thuợng du  đã tập trung, chú trọng xây dựng  các tổ chức quần chúng, cơ sở chính trị vững mạnh, vận động nhân dân đẩy mạnh phong trào diệt giặc giốt, phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Cùng với “tiền phương” công tác dân tộc tích cực góp phần về mọi mặt, xây dựng hậu phương- miền núi phía Tây tỉnh Thanh giữ vững vị trí căn cứ địa cách mạng quan trọng, hậu phương lớn cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBHC đặc biệt thượng du, đồng bào các dân tộc tiếp tục động viên hàng ngàn con em vào bộ đội đi các chiến trường, đóng góp hàng triệu cây luồng, hàng ngàn mét khối gỗ làm lán trại, kho tàng, cầu cống phục vụ kháng chiến; huy động hàng vạn người đi dân công tiếp vận và tiếp tục chiến đấu với các toán biệt kích của địch trên địa bàn giữ vững đường dân công, tiếp vận của quân và dân ta cho chiến trường Điện Biên Phủ, góp phần xứng đáng vào chiến thắng vĩ đại- Điện Biên Phủ.

Trưởng ban thời kỳ  này  gồm có: Đồng chí Trần Linh Sơn –Bí thư Đảng ủy miền Tây, kiêm chính trị viên Ban dân quân thượng du (1947); từ năm 1948 – 1949 đồng chí Lê Đình Sằn: (Thường vụ Tỉnh ủy), năm 1950  đồng chí  Lê Hữu Khai (Thường vụ Tỉnh ủy), từ năm 1950 -1951 đồng chí Lê Văn Trênh (Tỉnh ủy viên),  từ năm 1951 – 1959 đồng chí Vượng Trọng Hàng (Thường vụ Tỉnh ủy) làm Trưởng ban.

2. Uỷ ban hành chính đặc biệt miền thượng du và Ban cán sự miền tây (1955 - 1960)

Từ năm 1955,  cơ quan công tác dân tộc được thay thế bằng tên gọi mới là Ban cán sự miền tây và UBHC đặc biệt thượng du đã tiếp tục phát động đồng bào các dân tộc thi đua sản xuất, tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện phong trào hợp tác hoá. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn phong trào khai hoang, phục hóa, làm thuỷ lợi, thâm canh tăng vụ đã lan rộng khắp núi rừng miền Tây. Sản lượng lương thực tăng nhanh, chăn nuôi, nghề rừng có bước phát triển toàn diện. Trong giai đoạn này các trường cấp I, cấp II bắt đầu được xây dựng và mở rộng đến nhiều xã, trường phổ thông cấp III được mở tại 3 huyện: Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc; trung tâm huyện Ngọc Lặc có Trường thanh niên dân tộc, Trường Sư phạm 7 + 2, Trường trung cấp nông nghiệp và Trường Đảng đào tạo cán bộ cho khu vực miền núi; bệnh viện được xây dựng ở các huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thuỷ, Thạch Thành, Quan Hóa. Các trạm y tế xã được xây dựng để phục vụ yêu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Hệ thống thương nghiệp quốc doanh được thành lập với 7 cửa hàng lớn đặt ở 7 trung tâm huyện lỵ và 5 tổ bán hàng ở các xã vùng cao biên giới....Đồng thời tiếp tục đấu tranh phá tan âm mưu xưng vua của tên Nhé Gia -  dân tộc Mông (tại xã Pù Nhi năm 1957) và bạo loạn do Vi Văn Sếnh - dân tộc Thái cầm đầu (tại xã Quang Chiểu năm 1958), giữ vững biên cương Tổ quốc.

Thực hiện cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ, nhằm hoàn thành cách mạng dân chủ ở miền núi và đưa miền núi từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Với quyết tâm cao và biện pháp linh hoạt, đến cuối năm 1960 các huyện miền núi đã xây dựng được 984 hợp tác xã nông nghiệp quy mô chòm bản, cơ bản hoàn thành cuộc vận động, tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế - xã hội miền núi phát triển.

3. Ban chỉ đạo công tác miền Tây (1961 - 1968)

Tháng 5 năm 1961 Ban Thường vụ tỉnh uỷ quyết định giải thể Ban cán sự miền tây và UBHC đặc biệt miền thượng du, thành lập “Ban chỉ đạo công tác miền Tây” với chức năng tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các huyện miền núi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, giữ vững biên cương Tổ quốc.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ và UBHC Tỉnh, Ban miền Tây đã nhanh chóng cùng Đảng bộ và Chính quyền các huyện miền núi phát động "Phong trào 3 nhất". Trong một thời gian ngắn, phong trào khai hoang, làm thuỷ lợi, phong trào thâm canh, trồng rừng, khai thác lâm sản đã diễn ra sôi nổi khắp bản làng, từ vùng thấp đến vùng cao, sản xuất  nông - lâm nghiệp, y tế, giáo dục tiếp tục đạt được những kết quả mới. Miền núi không những không phải nhận viện trợ lương thực từ miền xuôi lên mà còn làm nghĩa vụ cho nhà nước hàng năm (1961- 1965) hàng chục nghìn tấn và khai thác lâm sản bán cho nhà nước hàng năm hàng nghìn m3 gỗ, hàng triệu cây luồng,v.v... núi rừng miền tây đã bừng lên những điển hình tiên tiến mới trong công tác làm thuỷ lơi, khai hoang, thâm canh, trồng rừng,v.v…. Các đoàn thể chính trị: Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, các đội dân quân được củng cố. Đây là lực lượng quan trọng giúp sức phá tan tổ chức phản động Lường Mạnh Huân và biệt kích nhảy dù xuống huyện Quan Hóa đầu năm 1963, tiếp tục giữ vững an ninh vùng dân tộc miền núi .

Trưởng ban thời kỳ  này  gồm có:  Năm 1961 Đồng chí Hoàng Sĩ Thuông (Thường vụ Tỉnh ủy), từ năm 1962 – 1964 đồng chí Trịnh Thuân (Thường vụ Tỉnh ủy), từ năm 1965 – 1968 đồng chí Hoàng Hữu Nhờn (Thường vụ Tỉnh ủy) làm Trưởng ban.

 

4. Ban Dân tộc và Định canh định cư (1969 - 1991)

Ngày 12/3/1968 Chính phủ ra Nghị quyết 38/CP về cuộc vận động định canh định cư kết hợp với hợp tác hoá đối với đồng bào còn du canh du cư. Nhằm đáp ứng tình hình mới, Ban miền Tây được đổi tên thành Ban dân tộc và thành lập thêm Ban định canh định cư, do đồng chí Trưởng ban dân tộc làm trưởng cả 2 Ban để tham mưu cho tỉnh làm công tác dân tộc của Đảng và công tác Định canh định cư.

Thực hiện Nghị quyết 38/CP của Chính phủ, lớp lớp cán bộ dân tộc, định canh định cư đã đến khắp các bản làng vùng cao, vùng sâu để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào thực hiện công tác Định canh định cư. Chỉ trong 3 năm (1969 - 1971) đồng bào đã làm được gần 800 km đường giao thông và hàng trăm công trình thuỷ lợi, trường học, trạm y tế; khai hoang trên 4.700 ha đất canh tác, trong đó có trên 2.000 ha ruộng nước. Đến năm 1980, toàn vùng trồng được trên 18.000 ha luồng, quế và một số cây công nghiệp, đặc sản khác; sản xuất, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên, văn hoá - xã hội trong vùng có bước phát triển mới. Có thể nói đây là giai đoạn sôi động nhất của hoạt động công tác dân tộc về thực hiện công cuộc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi.

Trưởng ban thời kỳ  này  gồm có:  Từ năm 1969 -1975 Đồng chí Hà Văn Ban (Thường vụ Tỉnh ủy), từ năm 1976 – 1978 đồng chí Phạm Văn Nhung (Thường vụ Tỉnh ủy), từ năm 1981 – 1988 đồng chí Lương Chí Ên (Tỉnh ủy viên) làm Trưởng ban và từ năm 1989 – 1991 đồng chí Cao Xuân Tỉnh làm Quyền Trưởng ban.

5. Ban Miền núi và Dân tộc (từ năm1992 đến tháng 11/1998) và Ban Dân tộc và Miền núi (từ tháng 12/ 1998 đến tháng 12/2004)

Thực hiện công cuôc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ chính trị, Quyết định 72/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Nghị quyết 21 của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Ngày 11/7/1992 UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 951 TC/UBTH về thành lập Ban Miền núi và Dân tộc tỉnh Thanh Hóa  trên cơ sở tổ chức lại bộ máy, cán bộ của Ban Dân tộc thuộc Tỉnh ủy và Ban định canh định cư tỉnh, để thực hiện chức năng vừa là cơ quan quản lý nhà nước, vừa làm tham mưu cho tỉnh về các lĩnh vực công tác dân tộc và miền núi, với nhiệm vụ chủ yếu là: Giúp UBND Tỉnh cụ thể hoá các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước; tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về sự nghiệp Định canh định cư; quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội cho Miền núi và dân tộc; tham gia xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội miền núi; phối hợp nghiên cứu xây dựng quy hoạch cán bộ người dân tộc và đề xuất các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ người dân tộc.

Năm 1992 là năm đầu tiên thực hiện chức năng nhiệm vụ mới, cũng là năm Trung ương và tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng đối với vùng dân tộc miền núi như: Chương trình định canh định cư được tăng cường; bắt đầu thực hiện chương trình 06 (thôi trồng cây thuốc phiện); chương trình hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn,v.v.. Ban đã nhanh chóng đi vào xây dựng các dự án để triển khai thực hiện kịp thời. Công tác miền núi và dân tộc tiếp tục giành được những thành tựu mới.

Công tác Định canh định cư, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, khai hoang, trồng rừng, ổn định làng bản,v.v... Chương trình phá bỏ cây thuốc phiện, tuy rất khó khăn phức tạp, nhưng ngay từ năm đầu triển khai thực hiện (1992) nhờ giáo dục, thuyết phục và vận động tốt nên gần 1.000 hộ dân tộc Mông xã Pù Nhi, Quang Chiểu (Mường Lát) đã phá nhổ 623,5 ha (gần 70% diện tích trồng), diện tích tái trồng các năm sau giảm dần và không còn. Với dự án hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn, đã di chuyển 39 hộ, trên 200 khẩu dân tộc Khơ Mú - là dân tộc ít người và khó khăn nhất trong các dân tộc của tỉnh, thuộc bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát ra nơi qui hoạch mới, có điều kiện ổn định Định canh định cư lâu dài.

Nhằm thực hiện công cuộc cải cách hành chính và tăng cường hơn nữa công tác định canh định cư và vùng kinh tế mới. Từ tháng 4/1998 UBND Tỉnh quyết định thành lập Chi cục định canh định cư và Vùng kinh tế mới của Tỉnh. Từ tháng 7/1998 Ban miền núi và dân tộc chuyển giao nhiệm vụ định canh định cư cho Chi cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới của Tỉnh. Ngày 18/12/1998 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2805/1998/QĐ-UB về việc đổi tên thành Ban Dân tộc và Miền núi tỉnh Thanh Hóa với 2 phòng chức năng là Phòng Hành chính - Tổ chức và phòng Chính sách Dân tộc và Miền núi.

Trưởng ban thời kỳ  này  gồm có:  Từ năm 1992 -2000 Đồng chí Trương Văn Huy (Tỉnh ủy viên), từ năm 2000 – 2007 đồng chí Lê Văn Nhàn (Tỉnh ủy viên) làm Trưởng ban.

6. Ban Dân tộc Thanh Hóa từ tháng 1/ 2005 đến nay

 Thực hiên Nghị định 53/2004/NĐ-CP  ngày 18-2-2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp, Thông tư 246/2004/TTLT-UBDT-BNV ngày 06/5/2004 của liên bộ Uỷ ban dân tộc - Bộ nội vụ về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương. Ngày 07/12/2004 Chủ tịch UBND Tỉnh có Quyết định 3920/QĐ-CT về kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.Từ tháng 1/2005, bộ phận định canh, định cư được sát nhập trở lại và đổi tên Ban dân tộc và Miền núi Thanh Hóa thành Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh; nhiệm vụ và quyền hạn được thực hiện theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 246/2004/TTLT-UBDT-BNV ngày 06/5/2004 của Uỷ ban dân tộc - Bộ nội vụ. Cơ cấu tổ chức của Ban Dân tộc gồm có: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Chính sách Dân tộc; Phòng Kế hoạch.

Thực hiện Thông tư Liên tịch số 04/2010/TTLT-UBDT-BNV ngày 17/9/2010 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Ban Dân tộc Thanh Hóa được quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức tại Quyết định số 3572/QĐ-UBND ngày 28/10/2011, với vị trí và chức năng là cơ quan chuyên môn ngang Sở thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-UBDT-BNV ngày 17/9/2010 của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ.

Các phòng chức năng tham mưu gồm có: Văn phòng; Thanh tra; phòng Chính sách và Tuyên truyền; phòng Kế hoạch – Tổng hợp.

Trưởng ban thời kỳ  này  gồm có:  Từ năm 2000 - 2007 đồng chí Lê Văn Nhàn (Tỉnh ủy viên); năm 2008 đồng chí Phạm Quang Thẩm làm  Quyền Trưởng ban, từ năm 2008 – 2010 đồng chí Phạm Văn Phượng (Tỉnh ủy viên); từ tháng 12/2010 – tháng 7/2011 đồng chí Phạm Đăng Quyền (Tỉnh ủy viên); từ tháng 7/2011 đến nay đồng chí Lương Văn Tưởng (Tỉnh ủy viên) làm Trưởng ban.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, sự phối kết hợp các ngành, các cấp Ban Dân tộc đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các chính sách Dân tộc của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghiệp có bước chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng; các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, có chuyển biến tích cực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng;  kết cấu hạ tầng ngày càng được tăng cường; văn hóa-xã hội có chuyển biến tiến bộ: Giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới trường lớp học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông tương đối hoàn chỉnh, 100% số huyện đạt phổ cập giáo dục trung học cơ sở; công tác bảo vệ và  chăm sóc sức khỏ nhân dân có chuyển biến tích cực, có 56,8 % số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; dời sống của đồng bào từng bước được cải thiện: Tỷ lệ dân số được phủ sóng phát thanh là 98%, phủ sóng truyền hình là 90%; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; an ninh quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố.

Từ Ủy ban hành chính đặc biệt miền thượng du tỉnh Thanh Hóa đến Dân tộc tỉnh Thanh Hóa hôm nay – một chặng đường 65 năm lịch sử – Cơ quan công tác dân tộc tỉnh Thanh với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng rất đáng tự hào trong quá trình phấn đấu và trưởng thành của mình. Ghi nhận bề dày công tác, cơ quan Ban Dân tộc đã được Đảng và nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng nhất, nhì , ba và Huân chương Độc lập hạng ba.

          Phát huy truyền thống 65 năm công tác dân tộc, Ban Dân tộc Thanh Hóa tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII đề ra, góp phần sớm đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.

<

Tin mới nhất

Quá trình hình thành và phát triển của cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Thanh Hóa(15/02/2012 4:27 CH)

    °